Vui chơi đang trở thành nỗi lo của trẻ

4:55 AM - 31/05/2018

Sau cả một tuần học miệt mài, căng thẳng, một vài giờ nghỉ ngơi bên gia đình vào ngày chủ nhật để xả “stress” đã trở thành một nhu cầu thiết yếu dành cho các em học sinh khi cả tuần phải chịu áp lực học hành căng thẳng. Thế nhưng các em vui chơi ở đâu để có được một ngày nghỉ hoàn toàn đúng nghĩa?

Ngày nghỉ hay “ngày người”?

Hiện nay, ở nước ta, nhất là những thành phố lớn, đông dân như: Hà Nội, Hồ Chí Minh,… tình trạng đường phố đông đúc, tắc nghẽn vào giờ cao điểm đã trở nên phổ biến, thậm chí còn xuất hiện ngay cả vào những ngày nghỉ cuối tuần. Khói xe cộ, tiếng ồn dày đặc. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó. Sau khi đã “chen chân” được đến những khu vui chơi giải trí, tưởng chừng không khí đã “dễ thở” hơn nhưng cảnh “ngày người” lại tiếp tục khiến các em và bố mẹ không khỏi mệt mỏi. Từ bãi đỗ xe đi vào, cảnh “người chen xe” đã diễn ra hết sức vô tổ chức. Thế rồi dòng người liên tục đổ xô vào cổng, gây hiện tượng quá tải.

Tìm được một góc nhỏ vui chơi – phải chăng là quá khó?

Mặc dù ven những tuyến phố, người ta vẫn cho xây dựng các khu vườn hoa công cộng khá rộng rãi để người dân sinh hoạt, vui chơi như: vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Lý Tự Trọng, vườn hoa Hàng Đậu,… Nhưng đó là điều của một vài năm về trước. Còn bây giờ, nơi đây thường xuyên trở thành nơi tập trung của các quán hàng rong (hàng nước, hàng bán đồ chơi, hàng chè, hàng bún,…). Người qua lại luôn đông đúc, nhất là lúc tan tầm và những ngày cuối tuần. Nhiều khi, một số người dân vô ý thức, ngang nhiên tạt xe máy, luồn lách nơi vườn hoa mà không hề nghĩ đến những hậu quả gây ra. Chưa kể đến những nguy hiểm rình rập, nhất là đối với các em nhỏ như: bắt cóc, trộm đồ đạc,… đang ngày càng phổ biến.

Chính vì những lí do trên mà dần dần các em không còn hào hứng đến những khi vui chơi công cộng. Các em đành tìm về nơi gần gũi nhất của mình: một góc vỉa hè trước cửa nhà hay dưới một gốc cây mát bên đường cùng bè bạn… Vậy mà, các em một lần nữa phải thất vọng. Kè kè đậu ngay sát vỉa hè là những chiếc xe con 4 bánh, taxi,… Thi thoảng còn xuất hiện cảnh những chiếc xe mô tô “coi trời bằng vung”, tạt ngang vỉa hè, không chỉ “lấn chiếm” chỗ vui chơi của các em, mà còn làm mất cảnh quan đô thị, gây xuống cấp vỉa hè cùng các hậu quả nghiêm trọng khác cho người và tài sản,…

Hậu quả và khắc phục- cần phải làm gì?

Các em được nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua lời thầy cô giáo giảng dạy về việc thực hiện đầy đủ 4 nhóm quyền của trẻ em trong Công ước Liên hợp quốc, cơ bản gồm: nhóm quyền sống còn, nhóm quyền bảo vệ, nhóm quyền phát triển, nhóm quyền tham gia. Thế nhưng, quyền được vui chơi giải trí của trẻ em đã được thực hiện chưa? Thế hệ các em đang xa rời dần những trò chơi dân gian lành mạnh. Một số bạn tìm đến những trò chơi điện tử, những trào lưu games online không mấy lành mạnh. Ban đầu, có thể các em chỉ chơi để xả “stress” sau những giờ học miệt mài, căng thẳng. Nhưng cứ thế, chơi games dần trở thành một thói quen, một sở thích, rồi say mê đến mê muội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý các em trong cả học tập và đời sống thường ngày.

Nhiệm vụ của trẻ em – mầm non tương lai của đất nước là xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhưng bù lại, trẻ em cũng muốn có được tiếng nói của riêng mình trong xã hội, muốn được người lớn đón nhận bằng tất cả sự coi trọng, lắng nghe. Trẻ em cần một môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, đầy đủ hơn. Thêm một góc cầu trượt, đu quay,…, thêm một khu vui chơi: công viên, sở thú,… chính là những gì các em đang cần. Mong người lớn hãy lắng nghe trẻ em nói bằng con tim – vì tương lai trẻ em bằng hành động…

Phạm Minh Huyền

(Phòng 1010 nhà CT14 A1 khu Nam Thăng Long, Tây Hồ, Hà Nội)/ Treemviet.vn

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan