Những tấm gương anh hùng của tuổi trẻ cách mạng Việt Nam, phần 1

2:44 AM - 06/06/2018

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, tuổi trẻ Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử được dân tộc giao phó. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, những anh hùng trẻ tuổi vẫn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, lẫm liệt để gìn giữ lý tưởng sống mà họ đã chọn và truyền lại cho thế hệ sau viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.

Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon – Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Năm 1923, khi mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng đã sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Anh hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh làm liên lạc cho các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu đến cảng Sài Gòn. Ngày 09/02/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng chực nhảy tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã nhảy ra bắn chết Lơ Gơrăng. Lý Tự Trọng bị địch bắt, bị tra tấn hết sức dã man.

Năm 1931, một ngày cuối xuân, thực dân Pháp đưa Lý Tự Trọng từ bót Catina đến tòa án để kết án anh tội tử hình. Người thanh niên cộng sản mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa để làm diễn đàn lên án bọn thống trị, kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên, đã hành động không có suy nghĩ.

Lý Tự Trọng dõng dạc nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.

Chánh án, một tên quan cai trị thực dân tuyên án xử tử ông Trọng. Lý Tự Trọng vẫn bình tĩnh. Tên thực dân Pháp hỏi anh có ăn năn gì không; Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt thẳng phía trước chỉ nói một câu: “Không ăn năn gì cả!”

Ở trong xà lim án chém khám lớn Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Mọi chi tiết về người tù án chém “Trọng con” được những tên gác ngục, tên chủ khám truyền ra ngoài với một lòng cung kính, khâm phục: “Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém”.

Một cuốn sách viết về Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí của mình, anh càng yêu cuộc sống, sống trọn vẹn những năm tháng ngắn ngủi của đời mình không hề lãng phí, không để mầm bi quan len lỏi vào tâm hồn mình mặc dù biết mình sắp bị giặc đem hành hình. Bọn thực dân tìm cách lung lạc ý chí gang thép của anh, nhưng tất cả những lời dụ dỗ của chúng đều bị anh đánh bại.

Bà Angđơrê Viôlít đã viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng: “Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đường phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!”.

Lý Tự Trọng trước khi lên máy chém mấy lần gọi “Việt Nam” thân yêu và đã hát nhiều lần bài “Quốc tế ca”: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!” và anh đã giữ vững ý chí chiến đấu đến phút chót của đời mình. Ngày nay, giữa thành phố Hồ chí Minh, con đường mang tên Lý Tự Trọng, chạy qua nơi anh từng bắn chết tên mật thám Lơ Gơrăng, anh vẫn như còn đó ở tuổi 17 hiên ngang, với tâm hồn trong sáng tràn ngập lòng yêu đời…

Võ Thị Sáu

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 12 tuổi chứng kiến cảnh giặc Pháp và bọn Việt gian hà hiếp, giết chóc đồng bào, tàn sát quê hương, chị đã nung nấu trong trái tim lòng căm thù giặc sâu sắc. Trải qua nhiều thử thách, năm 1947 chị được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ lúc 14 tuổi.

Với trí thông minh, dáng vóc nhỏ, nhanh nhẹn, Võ Thị Sáu đã luồn sâu vào vùng tạm chiếm từ thị trấn Đất Đỏ đến Phước Lợi, Long Mỹ, Phước Hải, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng, đã giúp cho Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động đề phòng và tấn công địch có hiệu quả. Chị đã anh dũng phá tan cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1948, sau chiến công này chị được tổ chức tuyên dương và giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian.

Hình ảnh nữ anh hùng Võ Thị Sáu được tái hiện trên phim ảnh.

Tháng 11/1948, Võ Thị Sáu cải trang trà trộn cùng tốp người đi làm căn cước, mang theo trái lựu đạn nằm trong cơi đựng trầu. Giữa buổi, Võ Thị Sáu vào nhà làm việc của tên tổng cai Tòng, rút chốt lựu đạn ném thẳng vào mặt y và hô to: “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Lựu đạn nổ, cai Tòng nằm quằn quại trong vũng máu nhưng không chết, đám hội tề và lính đồn khiếp vía không dám lùng sục như trước nữa. Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt, không may chị bị địch bắt. Địch giam chị tại khám Chí Hòa (Sài Gòn). Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, chị chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không hé môi. Chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cộng sản, người Công an kiên cường, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cách mạng.

Không khuất phục được người con gái quận Đất Đỏ, mặc dù Võ Thị Sáu chưa đến tuổi thành niên, thực dân Pháp vẫn đưa ra tòa xét xử và kết án tử hình. Để che giấu tội ác, giặc Pháp đày chị ra Côn Đảo chờ ngày đủ tuổi để thi hành bản án. Tại Côn Đảo, giặc Pháp tiếp tục dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc chị Sáu không được. Đêm 22/1/1952, Võ Thị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam. Sáng 23/1/1952, giặc Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra pháp trường xử bắn. Trước lúc hy sinh, Võ Thị Sáu vẫn tỏ rõ khí thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản, chị nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngày 3/8/1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu là một biểu tượng hiên ngang, lạc quan cách mạng, trước họng súng kẻ thù không hề run sợ, tỏ rõ được khí phách của một người yêu nước, yêu cách mạng, tin tưởng tuyệt đối thắng lợi của cuộc cách mạng. Võ Thị Sáu được Đảng tin, nhân dân yêu quý, đồng đội mến phục, kẻ thù khiếp sợ. Chị mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo.

(Còn nữa)

Thanh Bình (Tổng hợp)

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan