Những tấm gương anh hùng của tuổi trẻ cách mạng Việt Nam – Phần 3

2:42 AM - 06/06/2018

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, tuổi trẻ Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử được dân tộc giao phó. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, những anh hùng trẻ tuổi vẫn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, lẫm liệt để gìn giữ lý tưởng sống mà họ đã chọn và truyền lại cho thế hệ sau viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.

Kỳ này, BBT xin được tiếp tục giới thiệu đến các bạn 02 tấm gương thiếu niên anh hùng của tuổi trẻ cách mạng Việt Nam. Đó là Trần Văn Ơn và Nguyễn Văn Trỗi.

Trần Văn Ơn

Trần Văn Ơn sinh ngày 29/5/1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cha là ông Trần Văn Nghĩa là công chức bậc thấp, mẹ là bà Huỳnh Thị Tữu. Hầu hết anh chị của anh đều tham gia phong trào cách mạng, trong đó có chị là Trần Thị Lễ, liệt sĩ đã hy sinh năm 1948.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1940 sau khi học xong tiểu học ở thị xã Mỹ Tho, Trần Văn Ơn được lên Sài Gòn theo học năm thứ nhất bậc cao tiểu học tại trường Pétrus Ký. Năm học 1947 – 1948, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước tại trường và gia nhập Hội học sinh, sinh viên Việt Nam – Nam Bộ. Từ năm 1947, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước của trường, tham gia Hội học sinh, sinh viên Việt Nam – Nam Bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành đồng thời nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Anh được coi là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký.

Trước ngày kỉ niệm 9 năm khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11, chính quyền Pháp đã bắt cóc một số học sinh của trường Pétrus Ký. Sau sự kiện này đã nổ ra cuộc bãi khóa của học sinh 10 trường ở Sài Gòn vào ngày 23/11/1949. Lúc này, Trần Văn Ơn đang chuẩn bị thi tú tài, nhưng vẫn tích cực tham gia cuộc bãi khóa, đứng đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký đi biểu tình.

Một cuốn sách của nhà văn Đoàn Giỏi viết về AHLS Trần Văn Ơn

Ngày 9/1/1950, ở Sài Gòn đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6.000 học sinh, sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn đã dũng cảm đương đầu với dùi cui, che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trước nguy cơ bị bắt, anh đã đạp đổ hàng rào sắt hướng dẫn cho các bạn rút lui. Bọn địch nổ súng, Trần Văn Ơn đã anh dũng hy sinh khi chưa đầy 19 tuổi. Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9/1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần anh Trần Văn Ơn bất diệt. Ngày 12/1/1950 hàng vạn người dân Sài Gòn đã xuống đường dự đám tang Trần Văn Ơn và đây trở thành cuộc biểu dương sức mạnh, lòng căm thù của nhân dân Sài Gòn – Gia Định đối với giặc Pháp. Ngày 23/3/2000, Trần Văn Ơn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950 đã lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên kế thừa oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt. Để tưởng nhớ công ơn anh, đoàn viên, thanh thiếu nhi tỉnh Bến Tre đã đóng góp xây dựng tượng đài Trần Văn Ơn tại phường 2, thành phố Bến Tre và khu tưởng niệm Trần Văn Ơn tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành.

Nguyễn Văn Trỗi

Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Sau Hiệp định Geneve, gia đình anh vào Sài Gòn sinh sống. Lớn lên, anh làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.

Năm 1964, anh được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa, tỉnh Long An. Ngày 2/5/1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Nhiệm vụ này ban đầu được giao cho một đồng đội của Trỗi, nhưng anh xung phong đi thay vì vợ chồng người đồng đội đó đã có con. Công việc bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ ngày 9/5/1964.

Anh Trỗi hiên ngang tại pháp trường. Ảnh: T.L

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa anh ra tòa án quân sự kết án tử hình. Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964. Những phút cuối cùng, anh vẫn tỏ rõ khí chất của người anh hùng Đại đội quyết tử, không đồng ý bịt mắt và xưng tội và hô lên những lời cuối cùng:

“Hãy nhớ lấy lời tôi

Đả đảo đế quốc Mỹ

Đả đảo Nguyễn Khánh

Hồ Chí Minh muôn năm

Hồ Chí Minh muôn năm

Hồ Chí Minh muôn năm!”

Vì Tổ quốc, vì nhân dân, Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Hình ảnh anh Trỗi hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt anh vẫn sáng lên, vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào quân thù là một hình ảnh bất tử đi vào lịch sử, sự hy sinh của anh là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo. Sau khi chết, Nguyễn Văn Trỗi được truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất. Năm 2012, kỷ niệm 48 năm ngày anh hy sinh, nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được khánh thành trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Tên anh được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trên khắp Việt Nam.

Thanh Bình (ST)

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan