Những tấm gương anh hùng của tuổi trẻ cách mạng Việt Nam – Phần 2

2:44 AM - 06/06/2018

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, tuổi trẻ Việt Nam luôn có những đóng góp xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử được dân tộc giao phó. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, những anh hùng trẻ tuổi vẫn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, lẫm liệt để gìn giữ lý tưởng sống mà họ đã chọn và truyền lại cho thế hệ sau viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Văn Cừ

Nguyễn Văn Cừ sinh ra trong một gia đình nhà nho, quê xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 9/7/1912. Năm 1927, anh tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 6/1929, anh được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Hà Nội, tiếp đó năm 1930 được cử làm Bí thư đặc khu Hồng Gai – Uông Bí. Anh bị Pháp bắt, kết án khổ sai, đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, anh được trả tự do, về hoạt động bí mật ở Hà Nội. Nguyễn Văn Cừ đã tập trung vào công tác khôi phục cơ sở Đảng và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và đã thành công trong việc lập lại Xứ uỷ Bắc kỳ và trở thành uỷ viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 9/1937, anh được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hội nghị Hóc Môn (Gia Định). Năm 1938, anh được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi.

Anh hùng Nguyễn Văn Cừ

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Nghị quyết Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương 11/1939 đã quyết định những vấn đề quan trọng trong chuyển hướng chiến lược cách mạng, mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc – giai cấp, giai cấp – dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng, Mặt trận và phương pháp cách mạng trong tình hình lịch sử mới.

Tháng 6/1940, anh cùng một số đảng viên khác bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp ghép anh vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “chủ trương bạo động”, là “người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và kết án tử hình. Ngày 28/8/1941, bản án được thi hành cùng lúc với một số đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… tại trường bắn Hóc Môn.

Những đóng góp của anh trên lĩnh vực chính trị vẫn còn nguyên giá trị đến giai đoạn hiện nay đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” của anh đã đóng góp quan trọng trong công tác sửa đổi lối làm việc, khơi dậy ý thức tự tu dưỡng và tự rèn luyện của thanh niên lúc bấy giờ.

Cù Chính Lan

Cù Chính Lan sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha là ông Cù Khắc Nhượng, mẹ là bà Hồ Thị Hạ. Mẹ mất khi Cù Chính Lan mới 4 tuổi, sau đó cha anh tục huyền với bà Hồ Thị Hoe và sinh thêm 4 người con. Sớm mồ côi mẹ, nhà nghèo nên tuổi thơ anh phải đi cày thuê cuốc mướn để nuôi những đứa em cùng cha khác mẹ. Hoàn cảnh đã hình thành trong anh lòng thương người, ý chí tự lập, căm ghét cảnh áp bức bất công, và luôn nuôi chí được cầm súng đánh đuổi quân xâm lược, để Tổ quốc sớm được độc lập tự do, người dân làng Quỳnh Đôi sớm hết nghèo khổ, tủi nhục, lầm than, sớm được hưởng cuộc sống thanh bình, no ấm. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Cù Chính Lan 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn.

Tượng đài anh hùng Cù Chính Lan. Ảnh: Internet

Ngày 13/12/1951, ta mở trận tấn công cứ điểm Giang Mở. Trong khi bộ đội ta chân đất đầu trần đang tập trung áp sát mục tiêu thì gặp phải những chiếc xe tăng địch lao đến ứng cứu. Với khẩu tiểu liên trong tay và quả lựu đạn bên hông, Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan tách đội hình chạy bộ cắt đường, đuổi kịp chiếc xe tăng đi đầu. Anh nhảy lên thành xe, cạy nắp tháp xe, thả lựu đạn đã rút chốt. Quả lựu đạn diệt gọn tốp địch bên trong, chiếc xe tăng bất động thành vật cản đường, những chiếc đi sau như rắn bị giập đầu không thể lên ứng cứu đồng bọn. Cứ điểm Giang Mở nhanh chóng bị ta tiêu diệt. Ngày 29/12/1951, anh cùng đồng đội đánh đồn Cô Tô, dù đã hai lần bị thương nhưng anh vẫn nén đau, tiếp tục phá mở những lớp rào gai, dọn đường cho đồng đội lên tiêu diệt địch. Lần thứ ba, anh bị thương nặng vẫn bám trụ trận địa, dốc hết tinh thần động viên anh em chiến đấu. Trận đánh kết thúc cũng là lúc Cù Chính Lan trút hơi thở cuối cùng giữa vòng tay đồng đội. Khi hy sinh, anh mới hơn hai mươi tuổi, đang là tiểu đội trưởng bộ binh, Đại đoàn 304, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tấm gương mưu trí, quả cảm, sáng tạo của Cù Chính Lan lập tức được bộ đội ta noi theo trên các chiến trường, khiến quân xâm lược ưu thế về vũ khí phải bạt vía kinh hồn. Cù Chính Lan là một hình ảnh sáng ngời của người chiến sĩ thi đua ái quốc. Ngày 19/5/1952, liệt sĩ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Đảng và Chính phủ truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 10/8/1952 tại buổi lễ Tuyên dương công trạng khi nghe đọc báo cáo của Anh hùng Cù Chính Lan, từ trên Đoàn Chủ tịch, Bác Hồ đề nghị toàn thể đứng dậy mặc niệm người con ưu tú của dân tộc.

Thanh Bình (ST)

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan