Làm bạn với con 9-10 tuổi như thế nào?

6:55 AM - 06/06/2018

Khi con bước vào tuổi lên mười, cái ngưỡng tuổi đã qua tầm nhõng nhẽo và đã qua cái hờn giận trẻ nít, mà bắt đầu biết đến “cái tôi” theo cách của mình. Cái tôi ấy luôn là câu mở miệng “ không cần, không biết, không phải thế…” và bằng cách khẳng định vị trí của mình trong nhà, trong lớp học. Ví dụ như ở nhà, nếu có em, là con trai thường thờ ơ hơn con gái với các công việc mà cha mẹ giao thêm khi có em bé. Ví như trong trường hợp này, với con trai thì nhanh chóng làm việc thật nhanh, để rồi còn quay ra chơi trò chơi của mình, và không quan tâm nữa. Với con gái, có thêm phần ganh tị thể hiện rõ hơn, đó là cách các cô nàng vừa làm vừa ngúng nguẩy, vừa làm vừa so đo vì em cứ được chiều hơn, em cứ được chăm chút hơn mình. Khác ở các bé trai và các bé gái về vấn đề này. Với bé gái cũng xảy ra hai tình huống, một là rất biết yêu thương em bé và chia sẻ việc nhà với mẹ, với các bạn này thì khá thuận, các bậc cha mẹ sẽ nhàn nhã trong việc dạy con vì các bạn này rất ý thức về nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của mình với mẹ, với em bé. Nhưng có trường hợp ngược lại, luôn luôn muốn chống lại những sự sắp đặt của cha mẹ khi phải tham gia các việc vặt liên quan đến em bé. Luôn tỏ thái độ với các câu cửa miệng: Suốt ngày con phải làm việc vì em bé, sao lại là con lấy bình sữa, lấy khăn cho em, sao con phải hâm nóng sữa cho em, sao con phải,… rất nhiều và rất nhiều cách “phản đối,”… Và với các em ở lứa tuổi này, đương nhiên các bậc cha mẹ phải khéo léo lồng ghép các câu chuyện hàng ngày về luân thường đạo lý cho con nghe để con hiểu hơn. Ví dụ bằng các câu chuyện tình mẫu tử, tình anh em, tình bè bạn, để tránh cái thói ích kỷ sớm xen vào, vì đã có những bé ở tuổi này mới có em bé thì thường mắc chứng bệnh mình là số một trong nhà, mình là duy nhất, mình luôn được hưởng mọi điều kiện chăm sóc của cha mẹ, và bị ngấm vào cái thói “đòi gì được ấy”. Và có nhiều cháu ở tuổi này đã không sửa được tính khi đó và càng lớn càng khó dạy, khó uốn, các cụ đã nói, “yêu cho roi, cho vọt” hoặc “ cây muốn uốn thì phải uốn từ bé” là thế. Trường hợp này cha mẹ cần phải là người bạn thân thiết của con, đồng hành với con trong mọi lúc, mọi nơi. Cha mẹ phải phân xử bằng những biện pháp cả nhẹ và nặng, để cho con nhận thức được từ khi mang thai cha mẹ đã phải chuẩn bị tâm lý cho con để con biết mình sắp phải, sắp được làm anh, làm chị, mà cái vai trò, cái thiên chức ấy rất quan trọng, rất thiêng liêng để các cháu nhận thức đầy đủ khi có em bé.
(Ảnh: Internet)

Trong thực tế đã có những bé có tinh thần đón em rất tốt, nhưng có những bé có phản ứng dữ dội, đó là ghét em,không muốn mẹ sinh thêm em… Đó là những đặc tính riêng của các bé độ tuổi này khá phổ biến. Và những bé được trang bị tâm lý tốt thì bao giờ cũng có thái độ tốt khi đón em bé chào đời, và điều cần ở cha mẹ không phải chỉ làm bạn cùng con từ khi các bé lớn hơn 6 tuổi, khi các cháu đã đi học, đã nhận biết được thế giới xung quanh và có những phán xét của riêng mình thì cha mẹ càng cần đồng hành cùng con hơn. Cha mẹ luôn ở bên con, cùng con vui chơi, cùng con học bài,cùng con đi dã ngoại, dành thời gian để con luôn biết mình được có bạn đồng hành chia sẻ tâm tư đúng lúc với con. Ví như cậu bé, cô bé nào đó có năng khiếu nghệ thuật hay thể thao hay các môn khoa học tự nhiên cha mẹ nên khuyến khích để con bước chân vào những chỗ đó với niềm tin con sẽ là chủ nhân của những chân trời khát vọng đó. Cái chân trời khát vọng là trở thành nhà toán học, nhà văn hay nghệ sĩ dương cầm to lớn ở mai sau mà là ở tinh thần của con khi đang ở tuổi thần tiên, cho con được mơ được nuôi những khát vọng ấy. Từ những niềm vui nho nhỏ, từ mỗi ngày cha mẹ thổi hồn vào cái đam mê khát vọng của con để con có thêm niềm tin vào ngày mai.

Những “làm bạn cùng con” có vô vàn cách, chúng ta nên tự lựa chọn những cách phù hợp cho các con của mình. Không có công thức nào chung cho tất cả các cách dạy con, điều cốt lõi ở các bậc cha mẹ là biết nuôi dưỡng cả thể chất và tâm hồn cho con ngay từ những ngày đầu khi con đã nhận biết được thế giới xung quanh khi con đã “mồm ăn chân chạy”. Làm bạn cùng con rơ tuổi 9, 10 là một khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời của các con. Giống như cái cây vừa mới nhú mầm hay như con chim vừa tập bay, các bậc cha mẹ phải biết cách và tự mình rút ra những cách riêng để đồng hành cùng con, vì cổ nhân cũng đã đúc kết “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, vì thế dù có thấu hiểu con đến mấy, điều cốt lõi vẫn là phải đồng hành cùng con và chia sẻ với con, tôn trọng ý kiến của con và tìm cách lý giải đúng sai cho con thỏa đáng để định hướng con theo chiều tích cực.

Vũ Thảo Ngọc

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan