Mùa Trung thu cũ
Ký ức phố xưa
6:56 AM - 06/06/2018
6:56 AM - 06/06/2018
Thuở đó, vỉa hè phố là sân chơi của chúng tôi, hè rất rộng có bóng mát cây xanh và đặc biệt không có bất cứ một chướng ngại vật gì án ngữ. Trên hè phố, chúng tôi có thể chơi nhảy dây, chơi đánh đáo, đánh khăng, bịt mắt bắt dê, con gái thì chơi đồ hàng, chơi ô ăn quan, chơi đánh chuyền. Người đi bộ đi trên vỉa hè nhưng họ thường đi trên phần đường là dãy những nắp cống bê tông nối liền nhau hết phố này sang phố khác. Vào mỗi buổi chiều, chúng tôi lại í ới gọi nhau, chơi những trò chơi quen thuộc. Hôm nào trời mưa, chúng tôi vẫn có thể sang nhà nhau chơi mà không phải mang áo mưa vì chỉ cần đi men theo hàng hiên của mỗi nhà là có thể đi từ đầu phố đến cuối phố.
Trời mưa cũng đem lại cho chúng tôi những trò chơi mới bằng cách thả những con thuyền giấy trên rãnh nước nhỏ trước hiên nhà. Phố xá hồi đó phần lớn là những căn nhà cấp bốn, mái ngói, mái giấy dầu lẫn lộn, rất ít những căn nhà tầng. Đầu phố thường có một máy nước công cộng, cho người dân đi đường rửa chân tay, cho người trong phố lấy nước về dùng, vì có nhà vẫn sử dụng nước giếng. Giếng nước thường ở phía sau nhà, nơi có vườn rau, cây cối, thường là cây ăn quả. Ở thành phố nhưng lũ trẻ chúng tôi thời đó vẫn có thể trèo cây hái quả, và nếu nhà ai có vườn rộng nhiều cây cối thì đó cũng là một thiên đường cho lũ trẻ chúng tôi chơi. Chúng tôi cũng biết trồng rau, tưới cây và bắt sâu như những trẻ ở nhà quê. Ở thành phố không có những đêm trăng lãng mạn, nhưng bù lại chúng tôi có ánh đèn nơi cột điện đường, tối tối chúng tôi có thể ngồi tụ họp, tán gẫu và chơi trốn tìm trong những đêm hè oi ả.
Hôm nào mất điện (mà hồi đó rất hay mất điện), phố xá giống như cái sân đình, nhà nhà trải chiếu, hoặc bắc ghế ra ngồi ngoài hiên. Nếu đang vào giờ cơm tối thì cứ việc mang đèn ra vỉa hè, cả nhà quây quần ngồi ăn cơm, nhà nọ chĩa sang nhà kia nói chuyện, lũ trẻ thì bưng bát cơm sang mâm nhà nhau ngồi ăn chung, người lớn thì chào mời rôm rả những món ăn lạ miệng.
Hàng xóm láng giềng phố xưa rất thân thiện. Người ta cứ bảo ở thành phố nhà nọ không biết đến nhà kia, nói thế là hơi bị nhầm đấy. Phố tôi, nhà đầu phố, vẫn biết rõ mồn một nhà cuối phố sinh sống ra sao, có mấy người. Có lẽ sợi dây liên kết cũng một phần là bởi lũ trẻ chúng tôi thường sang nhà nhau chơi. Những nhà gần nhau thường có những sinh hoạt rất thân tình, việc vác bát sang hàng xóm xin tý mỡ, tý nước mắm là chuyện thường, hoặc vác rá sang vay gạo khi lỡ bữa thì cũng không có gì phải ngại. Phố xưa rộn rã vào những buổi sáng, thanh bình vào những buổi chiều và êm đềm vào những buổi tối.
Buổi sáng, mọi người thường dậy sớm quét nhà quét sân, tiếng gọi nhau đi tập thể dục í ới, trẻ con lục tục đi học, người lớn chuẩn bị đi làm, không khí bận rộn khẩn trương. Những âm thanh buổi sáng còn điểm thêm tiếng rao lên bổng xuống trầm của những gánh hàng rong bán quà sáng, bán rau quả. Buổi chiều, nhất là những chiều hè, phố nghiêng mình ngả một nửa bóng râm xuống dãy vỉa hè phía đông là nơi để lũ trẻ chúng tôi chơi, là nơi các cụ già ngồi hóng mát, trò chuyện, các cụ ông đánh cờ, đọc báo, dãy nhà phía tây tắm trong ánh nắng chiều vàng suộm như mật ong. Phố chiều cũng không còn mấy xe cộ đi lại, không khói bụi, không có tiếng còi xe, chỉ còn tiếng trẻ nô đùa, tiếng mẹ gọi về ăn cơm ngọt ngào ấm áp vang lên khi phố xá lên đèn. Buổi tối, phố thơ mộng hơn bởi ánh đèn đường mờ ảo, những khuôn cửa sổ hé mở như con mắt thức, lấp ló bên trong bao điều bí ẩn của cuộc sống gia đình. Hàng cây trước hiên nhà đủ che một vùng sẫm tối cho đôi lứa hẹn hò. Văng vẳng âm thanh về khuya là tiếng gõ cốc cốc của người làm nghề tầm quất đấm lưng với tiếng rao khắc khoải như tiếng cuốc gọi bầy.
Đường phố xưa không rộng nhưng vẫn thênh thang, vì phương tiện chủ yếu là xe đạp, và người đi bộ thì không ai đi dưới lòng đường. Bài học đầu tiên về giao thông của trẻ em khi bước vào lớp một là “Đi bộ phải đi trên vỉa hè”. Hồi đó, phố tôi có một ông già đã 80 tuổi, người nhỏ thó nhưng dáng vẫn rất nhanh nhẹn. Ông vẫn luôn cầm chiếc loa bằng sắt tây đi đi lại lại trên hè phố nhắc nhở người đi bộ, phần lớn là các cô cậu thanh niên mải vui chuyện, hoặc những người khách phương xa mải ngắm nghía đường phố mà quên không bước lên vỉa hè. Ông nhắc nhở bằng những lời dí dỏm khiến mọi người cười vui và nhanh chóng bước lên hè, có khi ông còn đặt vè, đặt thơ để nhắc nhở, tỷ như “Hỡi cô áo trắng quần đen/ Mau mau rảo bước đi lên vỉa hè” hay “Có cô má lúm đồng tiền/ Mải cười quên mất bước lên vỉa hè”. Nghe nói ông làm việc này rất bền bỉ cho tới lúc sức tàn lực kiệt mới nghỉ, mà không phải vì một quyền lợi nào, hay do một tổ chức nào chỉ định.
Ngày ấy, phố tôi còn một nhân vật nữa, mà có lẽ không một ai ở cái thời đó lại không biết và không nhớ. Đó là một con người ở một địa vị rất thấp hèn. Ông không nhà không cửa, không vợ không con, có lẽ còn không cả tuổi nữa vì ai cũng gọi bằng thằng, dù ông đã từng có mặt ở con phố này bao năm rồi. Ông sống bằng nghề đi chở thuê, tài sản luôn mang theo người chỉ là chiếc đòn gánh và cuộn thừng, địa bàn ông làm việc chủ yếu ở nhà ga, bến xe, cổng chợ. Nhưng những lúc rỗi việc ông lại dạo qua phố chơi, mua bán hoặc ăn uống. Tối về ngủ ở vỉa hè nơi có mái hiên rộng đủ che mưa gió. Vô sản vậy nhưng ông lại là một người rất tử tế. Đã có lần ông nhặt được của rơi với tài sản rất lớn, đủ để ông gây dựng một cuộc đời yên ổn, nhưng ông đã mang nộp cho công an. Làm nghề mạt hạng vậy nhưng ông lại rất có lòng tự trọng. Ông không bao giờ bắt chẹt khách, giá cả lúc nào cũng phải chăng, đúng với công sức của mình, nếu khách mè nheo đòi bớt tiền thì lập tức ông lẳng lặng gánh hàng trả lại chỗ cũ mặc cho khách chạy theo van xin chấp nhận. Trông tướng mạo thì rất dữ dằn nhưng ông sẵn sàng vứt cả đòn gánh để đỡ một em bé bị ngã xe trên lòng đường, giúp một cụ già qua đoạn khó khăn, hay nhà ai đang có việc gì nặng nhọc, nếu đi qua ông sẵn sàng dừng lại giúp đến khi xong việc mới thôi, nếu trả tiền ông phẩy tay, nhưng mời một điếu thuốc ông cầm ngay vui vẻ. Mỗi buổi chiều có ông đi lại trên phố, mọi người gọi lại trêu chọc, trẻ con chạy theo lêu lêu như một kẻ dở hơi. Nhưng trong thâm tâm ai cũng quý mến ông – một con người dị hình xấu xí nhưng tâm hồn lại rất đẹp ấy. Khi ông mất, cả phố đã đi đưa tang và chiều đến khi nhìn dòng người trên phố lại bỗng thấy trống vắng như mất một người thân.
Những người của phố xưa đến nay đã dần trở thành dĩ vãng, nhưng con phố thì vẫn còn đó, song nó chỉ là con đường thôi, còn phố thì đã khác xưa lắm rồi. Đó cũng là quy luật tự nhiên của quá trình phát triển. Đường phố rộng hơn, nhà cửa sầm uất khang trang hơn. Nhưng hè phố thì chật chội hơn, đầy những xe cộ và hàng quán, người đi bộ phải len lỏi giữa hè phố và lòng đường. Trẻ con chẳng còn biết chơi đâu ngoài vùi mặt vào trong các quán game với các màn bạo lực chíu chít phát ra từ những chiếc máy tính. Và chẳng còn nghe tiếng gọi cơm êm ái ngọt ngào của các bà mẹ nữa mà chỉ là tiếng quát mắng, chửi bới nhiều khi còn là những trận ẩu đả xô xát giữa các phụ huynh và chủ quán game làm ầm ĩ phố phường. Hàng xóm láng giềng cũng vì thế mà mất đi tình thân thiện. Nói vậy thôi chứ phố bây giờ cũng có nhiều điều hay ho lắm chứ, đó là đèn điện sáng trưng cả đêm, âm thanh đường phố luôn náo nhiệt ầm ĩ đến tận khuya, nhà ai đó mở nhạc thì cái loa thùng đủ từ đầu phố đến cuối phố cùng nghe.
Phố xưa chỉ là nỗi nhớ của tôi thôi, phố đã xưa rồi, sao còn mong người như xưa nữa. Nhưng tôi vẫn cứ thấy buồn, thấy tiếc, thấy bâng khuâng.
Theo Cẩm Hương (Báo Văn nghệ)