Khai trương “Tổng đài 111” – Dịch vụ công đặc biệt bảo vệ trẻ em

7:05 AM - 06/06/2018

Sáng 06/12, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về trẻ em họp thảo luận Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ủy ban do Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em Vũ Đức Đam chủ trì. Nhân dịp này, Bộ LĐ-TBXH tổ chức Lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng: Đào Ngọc Dung, Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu chính thức bấm nút khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Tham dự cuộc họp của Ủy ban và dự lễ ra mắt Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em còn có: Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT, Phó Chủ tịch Ủy ban Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Ủy viên thường trực Ủy ban Đào Hồng Lan cùng ủy viên Ủy ban; lãnh đạo các cơ quan quốc hội, bộ, ban, ngành; Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil.

Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sáng cùng ngày Ủy ban quốc gia về trẻ em đã thảo luận Kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ủy ban và đã thống nhất một số nội dung nhiệm vụ cơ bản. Theo đó, năm 2018 sẽ tập trung chỉ đạo việc phối hợp, điều hòa giữa các bộ, ngành, tổ chức, và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em, tạo điều kiện mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản là: Quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng: Đào Ngọc Dung, Phùng Xuân Nhạ và các ủy viên Ủy ban quốc gia về trẻ em, các đại biểu chụp ảnh cùng các em nhỏ.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương rà soát, bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

Sẽ triển khai các hoạt động liên ngành tăng cường thực hiện các Chỉ thị số 17 năm 2016 và Chỉ thị số 18 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống đuối nước trẻ em và phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và những khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với báo cáo định kỳ thực hiện Công ước của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, UBND các cấp thực hiện quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, đặc biệt các quy định về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các trường hơp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Nghiêm túc thực hiện báo cáo Quốc hội, Chính phủ, HĐND về kết quả thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em hàng năm.

Các đại biểu tham dự lễ ra mắt Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông trong phổ biến tri thức, tư vấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào. Kể từ đó tới nay, hệ thống pháp luật quy định việc thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam liên tục được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013 và Luật trẻ em năm 2016 đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đồng bộ.

Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm phòng ngừa và giải quyết bạo lực, xâm hại trẻ em. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bộ luật hình sự cũng đã quy định các biện pháp nghiêm khắc xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em,…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là “người bạn đồng hành cùng trẻ em” và tất cả mọi người quan tâm đến bảo vệ quyền trẻ em.

“Tuy nhiên, điều đáng buồn là hàng năm, trung bình còn hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do đuối nước và trẻ em bị xâm hại. Trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em gây hoang mang và bức xúc trong dư luận. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự sẻ chia mà cần yêu cầu mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi bậc cha mẹ, anh chị phụ trách phải xắn tay vào hành động ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111 là số hàng đầu, đây là số ngắn, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Việc khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em…

Bộ trưởng cho biết, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp Ủy ban sáng cùng ngày, Tổng đài này sẽ kết nối trực tiếp với một đơn vị tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở – Đoàn Thanh niên – để tiếp nhận nhanh, chủ trì với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, phối hợp với ngành giáo dục để xử lý các vụ việc, trong nhà trường là Tổng phụ trách đội, ở bên ngoài là người phụ trách đoàn thanh niên, và lãnh đạo chính quyền địa phương, khi nhận được thông tin từ Tổng đài 111 sẽ xử lý nhanh vụ việc liên quan đến trẻ em.

Bộ trưởng tin tưởng, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là “người bạn đồng hành cùng trẻ em” và tất cả mọi người quan tâm đến bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại. Nhân dịp này, thay mặt Chủ tịch UBQGVTE, Bộ trưởng kêu gọi: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy sử dụng số điện thoại 111 để lên tiếng thông tin, thông báo, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các việc tư vấn kiến thức lien quan. Với sự quyết tâm của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các gia đình và toàn xã hội cùng nhau chung sức, đồng lòng chăm lo cho trẻ em, cho thế hệ tương lai của đất nước với tinh thần ưu tiên bảo vệ trẻ em, mọi trẻ em Việt Nam sẽ được sống trong môi trường ngày càng an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện”.

Nguồn: Molisa.gov.vn

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan