Hội thảo góp ý đề cương chi tiết Luật nghề Công tác xã hội

5:03 AM - 07/06/2018

Chiều ngày 24/1/2018, tại Trụ sở Bộ, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức Hội thảo góp ý Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Tới dự Hội thảo còn có Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội, các chuyên gia thuộc các Bộ, ban, ngành và tổ chức quốc tế liên quan, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và thành viên tổ nghiên cứu xây dựng Luật Nghề CTXH.

Đánh giá cao Đề cương chi tiết Dự luật Nghề CTXH

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan, đến nay, ban soạn thảo đã ra đề cương chi tiết dự thảo Luật Nghề công tác xã hội (CTXH), và cũng đã lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự thảo về Luật nghề Công tác xã hội, để khi đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, đánh giá tác động của dự Luật này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật Nghề công tác xã hội để chuẩn hóa đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của xã hội.

Ông Hà Đình Bốn cũng thông tin, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nghề CTXH đã phát triển chuyên nghiệp và để làm được điều này đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hết sức cụ thể về CTXH. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng Luật Nghề công tác xã hội.

Theo đó, ông Bốn cho rằng: “Luật Nghề CTXH sẽ giúp chuyên nghiệp hóa đội ngũ những người làm CTXH, nâng cao được trình độ, chuyên môn cũng như vị thế của người làm CTXH. Các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (gần 1/3 dân số) được hưởng lợi từ chính sách mới này, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dân trong việc thụ hưởng dịch vụ CTXH”.

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày dự thảo đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH gồm có 7 Chương, 94 Điều.

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia đều ghi nhận sự công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng của tổ soạn thảo. Đã xác định được mục tiêu về nghề CTXH. Theo các chuyên gia, cần phải xã hội hóa cao nghề CTXH. Về tên gọi của Luật cũng nhận được các ý kiến đề xuất khác như: “Luật nghề CTXH”, hoặc “Luật thực hành CTXH”, hay là “Luật CTXH”.

Cần một văn bản pháp lý ở tầm luật về nghề CTXH

Tham gia góp ý cho dự luật, Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Lê Hồng Loan (UNICEF) đánh giá cao dự thảo Luật đã quy định chi tiết, cụ thể về lĩnh vực CTXH với 7 chương, 94 điều.Về tên gọi dự thảo của Luật, bà bày tỏ đồng tình với tên Luật là “Luật nghề CTXH” hoặc “Luật thực hành CTXH”. Tuy nhiên, theo bà Loan, một số nội dung rất chi tiết không nên đưa vào dự thảo này, mà nên đưa vào các luật chuyên ngành.

Đồng quan điểm, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ GD chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) khẳng định, cần thiết xây dựng Luật Nghề Công tác xã hội, vì sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai các dịch vụ CTXH trong các trường học. Hiện nay, do chưa có một văn bản pháp lý ở tầm luật về nghề CTXH, nên hiệu quả triển khai còn hạn chế. “Vì thế, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế rất mong Luật nghề CTXH ra đời, để là cơ sở pháp lý để triển khai được trong lĩnh vực Y tế và trường học”, ông Bá nói.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu góp ý dự thảo Luật Nghề CTXH

Theo ông Trần Mạnh Đạt, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp), kinh tế xã hội phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của nghề CTXH. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ hiện nay của các trung tâm CTXH đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở,…

“Với tốc độ mở rộng đào tạo nghề CTXH trong các trường học do yêu cầu của thực tế, thời gian tới sẽ có hàng nghìn cử nhân làm CTXH chuyên nghiệp. Do đó, đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý đầy đủ để nghề CTXH có thể phát triển, hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội ngày càng gia tăng”, ông Đạt khẳng định.

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo, đồng thời cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32), đã giúp cho nghề CTXH có những bước phát triển tốt.

Tuy nhiên, đến nay nhận thấy khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa.

Do đó, theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH.

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận các ý kiến đóng góp cho Đề cương chi tiết Luật nghề CTXH

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, sau 7 năm triển khai Đề án 32, đến nay cả nước đã hình thành và phát triển gần 500 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm CTXH chuyên sâu. Đến nay, có gần 200.000 người làm việc trong các lĩnh vực như: Bệnh viện, trường học, tư pháp, hội, đoàn thể… được tập huấn để xây dựng mạng lưới cộng tác viên CTXH trợ giúp người nghèo, các đối tượng yếu thể ở các cơ sở và cộng đồng.

Đồng thời Thứ trưởng cho biết, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nghề CTXH đã phát triển chuyên nghiệp và để làm được điều này đòi hỏi cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hết sức cụ thể về CTXH.

Do đó, “Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp ở tầm luật, để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Từ đó phát triển CTXH thành một nghề nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp cho những đối tượng yếu thế. Vì theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ CTXH”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Nguồn: Molisa.gov.vn

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan