Giận thì giận mà thương thì thương

5:06 AM - 22/06/2018

1.

Tôi và Hủ Tíu biết nhau từ thời còn học mẫu giáo, sáng nào hai bà mẹ cũng thay phiên nhau chở tôi và Hủ Tíu một trước một sau đến trường theo nguyên tắc: mẹ tôi ngày chẵn, mẹ Hủ Tíu ngày lẻ.

Nhà Hủ Tíu bán hủ tíu cạnh nhà tôi, có lẽ vì thế mà cậu ta có tên ở nhà là Hủ Tíu. Cậu ta hỏi tên ở nhà của tôi là gì, tôi nói là Bánh Bao, cậu ta lại bảo nhà tôi không bán bánh bao sao lại đặt tên đó.

Tôi đem thắc mắc này về hỏi mẹ, ngày hôm sau dõng dạc trả lời Hủ Tíu rằng: vì mặt tôi tròn trịa, trắng trẻo như chiếc bánh bao nên mới gọi như thế. Cậu ta không tin đưa tay lên nhéo thử má tôi, tay kia nhéo má mình, ánh mắt lộ rõ vẻ ngạc nhiên. «Cậu quả là Bánh Bao thật!», Hủ Tíu nói thế và ngày nào cũng nhéo má tôi.

Hủ Tíu tên thật là Nhất, khi vào lớp một phân công chỗ ngồi cô giáo đã nói như vậy. Tôi nhìn cậu ta không tin nổi, thốt lên: «Hủ Tíu tên thật là Nhất à? Anh Đỏ nhà bên hay nói Nhất là Nhất Cư ấy, phải không?» Vì tôi nói hơi to nên cả lớp đều nghe thấy, mà quả thật tôi cũng chẳng biết «Nhất Cư» ấy nghĩa là gì nên mới tò mò hỏi cậu ta.

Cả lớp cười rầm lên còn Hủ Tíu thì đẩy tôi suýt té. Cậu ta về nhà khóc lóc mách mẹ chuyện này, mẹ và tôi lúc ấy đang ăn sáng ở nhà cậu ta nghe được, tôi bị mẹ mắng một trận mà không biết mình có lỗi gì cũng lăn ra khóc nức nở. Tôi và Hủ Tíu vì thế lẫy nhau gần một tháng, nhất quyết hành xử theo phương châm: «Đụng da da nhéo, đụng áo áo rách».

2.

Tôi và Hủ Tíu đi về có nhau nên hay bị gán ghép thành một đôi, chuyện này vốn cũng chẳng có gì to tát vì cả tôi và cậu ta lẫn mấy đứa đầu têu chắc chắn chẳng hiểu một đôi là thế nào nên chẳng bận lòng.

Nhưng có một hôm đi học về, chẳng hiểu sợi hủ tíu nào của cậu ta có vấn đề, cậu ta nhất quyết không chịu đi chung với tôi nữa, từ đó chỗ ngồi giữa tôi và cậu ta trên lớp cũng bị chia đôi. Từ không quan tâm việc bị trêu là một đôi, hễ đứa nào dám nói ra từ đó là Hủ Tíu sẽ ngay lập tức sử đụng nắm đấm.

Lên lớp 4, bố chuyển công tác nên nhà tôi chuyển đi. Bố mẹ Hủ Tíu cách ngày lại qua nhà tôi chơi, nói đủ thứ chuyện, riêng Hủ Tíu lại chẳng thấy có mặt. Ngày tôi đi cậu ta cũng chẳng thèm đến, mẹ Hủ Tíu nói cậu ta bị sốt rất nặng không đến tiễn tôi được, tôi không tin, tức giận bẻ gãy cây bút chì mà mình vốn dành tặng cho cậu ta, hét lớn với mẹ Hủ Tíu rằng: «Con ghét Hủ Tíu, con sẽ không bao giờ ăn hủ tíu nhà cô nữa».

Và từ lớp 4 cho đến lớp 11, bảy năm có dư trôi qua, tôi không gặp lại Hủ Tíu và cũng chẳng có cơ may nào mà chơi với cậu ta lần nữa. Tôi đã xếp Hủ Tíu cùng những năm tháng chơi với cậu ta vào nhà kho, nhất quyết không đụng tới, không nhớ tới kẻ «bạc tình» ấy nữa.

Nhưng mà đến năm thứ 8, tức năm lớp 11, Hủ Tíu đột ngột xuất hiện, làm lộn tùng phèo thế giới của tôi.

3.

Tôi ngây như phỗng nhìn chằm chằm vào cậu trai mới chuyển tới lớp mình. Đồng phục thẳng thớm sạch sẽ, mặt mũi lại càng sạch sẽ sáng sủa hơn, cậu ta mang một phong thái tự tin thoải mái chẳng hề giống một học sinh từ lớp khác chuyển tới mà như là một thầy giáo nào đó tới dự giờ, ánh mắt liến loáng cứ đảo qua đảo lại liên tục khắp cả lớp, và rồi ánh mắt ấy dán chặt vào tôi. Cậu ta cười một cái làm rộ chiếc răng khểnh «đáng ghét» và khẽ nheo mắt lại như thể đang có «gian tình» với tôi.

Tôi giật nảy mình đi ra từ mộng, vội úp quay mặt đi chỗ khác, không phải vì ngượng mà là vì không biết phải làm gì cả. Hủ Tíu ỉu xìu mặt, thu lại nụ cười.

Đó là buổi tái ngộ giữa tôi và cậu bạn «thanh mai trúc mã» sau hơn 7 năm có dư không gặp. Hoàn toàn chẳng giống phim Hàn tẹo nào.

4.

Sau quãng thời gian ổn định nhà cửa, mẹ Hủ Tíu đến thăm nhà tôi và mang theo cả đống chuyện sau khi gia đình tôi chuyển đi khu phố đó đã bị quy hoạch như thế nào, rồi việc bố Hủ Tíu làm ăn dần phát đạt ra sao, cả việc Hủ Tíu càng lớn càng đẹp trai hệt Vương Lực Hoành, vân vân và mây mây.

Mẹ tôi cũng chẳng chịu thua ngồi khoe khoang với mẹ Hủ Tíu bố đã lên làm giám đốc công ty lớn một cách đầy thuyết phục, lại chuyện mẹ tôi mở cửa hàng mỹ phẩm làm bà chủ ra sao và cả chuyện đời riêng của tôi cũng bị lôi ra kể tuốt. Tôi không ngồi đó nghe cuộc nói chuyện của hai bà mẹ mà cái đầu cũng muốn nổ tung cả lên vì tiếng cười xuyên thủng tường nhà của hai người.

Về phần Hủ Tíu, sau hai tháng chuyển tới lớp, cậu ta bằng cái miệng kẹo dẻo đã dụ dỗ được hết lớp làm bạn mình, riêng tôi không thuộc tập hợp đó.

Cậu ta có ý tiếp cận và hàn gắn mối quan hệ bạn bè ngày xưa nhưng tôi luôn cố gắng bơ đi và đối xử với cậu ta cực kì lạnh nhạt, lúc nào cũng đối đầu hận không thể giã nát cậu ta thành bánh gạo.

Nghĩ mà xem, tôi đã buồn như thế nào lúc bị cậu ta «ruồng bỏ», đã thề gì lúc chuyển nhà mà cậu ta không tới chứ?! Cậu nghĩ tôi là Pet, đuổi thì đi vẫy tay thì tới à? Mơ đi!

– Bánh Bao, đi chơi lớp hả cháu?

Mẹ Hủ Tíu lại ghé thăm nhà tôi vào một buổi chiều mát mẻ dù nhà bà cách nhà tôi xa vòng vo tam quốc. Tôi lễ phép dạ một tiếng chuẩn bị chuồn đi, bà lại hỏi:

– Thế Hủ Tíu có đi không cháu?

– Cháu không biết ạ!

Cậu ta có đi chơi không thì liên quan gì đến tôi chứ, với lại giữa tôi và cậu ta đã tuyệt giao quan hệ từ 8 năm trước rồi cơ mà.

Mẹ Hủ Tiu có vẻ đăm chiêu, cô ấy kéo tay tôi lại:

– Cô đi xe qua nhà cháu rồi, Hủ Tíu chắc không có xe để đi, cháu qua cho nó đi cùng nhé!

Và chẳng để tôi có cơ hội từ chối, mẹ hủ Tíu dùng ánh mắt rất tha thiết, chân thành của một người mẹ nói với tôi:

– Hủ Tíu mới chuyển trường còn chưa làm quen được với các bạn, cháu cố gắng giúp nó hòa đồng vào tập thể kẻo bị mọi người tẩy chay tội nghiệp nhé!

Và thế là tôi, trước tấm lòng bao dung của một người mẹ, đành phải chạy vòng vo qua mấy con đường đón cậu ta. Rõ ràng là cậu ta cũng chẳng hề có ý định tham gia vào buổi đi chơi ngày hôm nay, bằng chứng là khi tôi đến, Hủ Tíu để trần chạy ra mở cửa.

Tôi lạnh nhạt thuật lại lời mẹ cậu ta nhờ vả tôi và ra lệnh hoặc là 1 phút rồi ra đây tôi chở đi hoặc là ở nhà. Ba mươi giây sau Hủ Tíu xuất hiện và ngồi phụt lên xe tôi, ra lệnh thẳng tiến. Thật hết nói nổi, cậu ta chỉ vơ đại cái áo mặc vào, thậm chí còn chẳng thay quần Jean.

Buổi đi chơi lớp thành công tốt đẹp, chỉ có tôi là ngồi thu mình vào một góc ngốn ngấu sạch đống bánh trái trên bàn. Anh chàng lớp trưởng luôn mồm la oai oái cướp lại bánh kẹo từ tay tôi, lại mắng xa xả: «Dừng lại. Cậu định ăn sạch không cho tụi này đến cái vỏ chuối sao».

Ra về tôi lại chở Hủ Tíu về trong ánh mắt nghi hoặc của mọi người hệt lúc đến, vốn ai chẳng thấy hai chúng tôi là Ma Siêu Phong và Tiểu Long Nữ, thế quái nào lại đèo nhau đi đi về về. Tôi thở dài, mặc kệ, ai bảo tôi đã nhận sự phó thác của người ta cơ chứ.

Cũng không biết phải nói là Hủ Tíu xấu hổ vì ngồi sau lưng con gái hay vì bản chất thích «gentlement» mà cậu ta nhất quyết không cho tôi cầm tay lái, bắt tôi ngồi sau ôm eo cậu ta lại phóng thẳng xe với tốc độ kinh hoàng lao ra biển.

5.

Hai chân tôi run lập cập nhưng miệng vẫn đủ sức để mắng sợi dây thần kinh nào của cậu ta có vấn đề, cậu ta đưa tay ra đỡ tôi nhưng tôi gạt hẳn. Và thế là… khóc. Hủ Tíu liên tục xin lỗi bảo tôi đừng khóc, là lỗi của cậu ta, đừng khóc nữa. Tôi chỉ muốn quát lên lỗi của ai cũng mặc, mắt tôi bụi bám đầy rồi tôi cứ khóc đó, làm gì được nhau.

Thấy tôi gần khóc xong, Hủ Tíu chìa cho tôi chai nước, tôi tu một hơi dài, tiếng Hủ Tíu đột ngột vang lên rất khẽ như hòa vào từng âm thanh rào rạt của sóng biển, lại trầm trầm y hệt giọng của một phát thanh viên hay tâm sự trên radio lúc 22h:

– Bánh Bao, cậu còn giận tớ vụ hồi trước tớ nghỉ chơi với cậu phải không? Thật ra hồi đó tớ thích Tố Uyên lớp mình nhưng nhỏ đó bảo tớ và cậu là một đôi, nhỏ không muốn chơi với tớ nên tớ mới bỏ chơi với cậu. Lúc đó còn nhỏ, còn ấu trĩ nên mới thế. Khi tớ nhận ra tình bạn giữa tớ và cậu quan trọng như thế nào thì nhà cậu đã chuyển đi, tớ đã hối hận vô cùng. Khi tới thành phố này tớ đã xin vào học lớp cậu mặc dù tớ chuyên về toán hơn, tớ thực sự muốn sửa lỗi, cậu tha thứ cho tớ đi, Bánh Bao.

Tôi hoàn toàn bất ngờ trước lí do mà cậu ta ngày ấy «phụ bạc» tôi là vì một đứa con gái. Vậy mà tôi còn tưởng là tôi có lỗi gì ghê gớm lắm cậu mới bơ tôi đi, thì ra.. Tôi bóp nát chai nước trong tay, dù đau đớn biết bao nhưng vẫn lạnh nhạt mở miệng:

– Còn gì nữa không?

Hủ Tíu gật đầu vội vã tiếp lời, lần này thì e dè hơn:

– Tớ cũng biết cậu còn giận tớ vụ cậu đi mà không tới tiễn. Thật ra hôm đó tớ bị sốt siêu vi phải nhập viện, tớ rất muốn tới tiễn cậu nhưng mẹ không cho phép. Mẹ tớ đã nói với cậu điều đó rồi nhưng tớ vẫn muốn xin lỗi lại lần nữa, nếu biết cậu buồn tớ như bây giờ chắc chắn tớ sẽ không bị ốm.

Tôi im lặng không biết phải nói gì, cơn giận dần dần xẹp xuống. Đang suy nghĩ có nên tha thứ cho cậu ta không, khi ngẩng mặt lên đã thấy Hủ Tíu nhìn tôi chăm chú, cái nhìn của cậu ấy chân thành, tha thiết đến tội nghiệp làm tôi thấy lúng túng.

– Nói xong rồi sao, thế thì về.

– Cậu vẫn không chịu tha thứ cho tớ à? Giận thì giận mà thương thì thương đi mà.

6.

Mấy ngày sau đó Hủ Tíu quyết chí bám đuôi tôi. Sáng nào Hủ Tíu cũng đều đặn đến chở tôi đi học. Tôi ngộ ra thì ra nhà cậu ta không xa nhà tôi đến thế, chỉ là do tôi không biết đường mới phải vòng vèo, còn trên thực tế chỉ cần đi khoảng năm phút là tới. Thời gian đầu tôi vẫn tỏ ra lạnh nhạt nhất quyết hai người hai xe, dần dần lại nghĩ tội gì lại phải tốn sức khi có một phu xe miễn phí thế này, vậy là vênh mặt ngồi sau xe cậu ta đầy kiêu ngạo, không phải kiểu đi chực, mà là ban ơn.

Tôi ăn lại Hủ Tíu, thỉnh thoảng qua nhà Hủ Tíu tặng Bánh Bao, mẹ Hủ Tíu cười tít mắt còn Hủ Tíu tiếp tục trò chơi thuở bé, nhéo má tôi.

Nguồn: Giáo dục Thời đại

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan