Độc đáo ngôi trường cho phép học sinh trả học phí bằng rác thải

2:03 PM - 16/10/2018

Những trẻ em nghèo ở cách thủ đô Phnom Penh, Campuchia khoảng 114km về phía Tây có thể vô tư tới trường mà không cần phải lo lắng học phí, bởi khi đi học họ chỉ cần mang theo rác thải có thể tái chế.

Khi nhìn vào những lớp học ở ngôi trường Coconut School (trường Dừa) có thể thấy tất cả được dựng lên từ lốp xe cũ, chai nhựa và giày thể thao cũ. Thế nhưng các học sinh nơi đây vẫn say sưa học bài tại “trường học rác”.

Một góc nhìn lạ qua tường của lớp học được làm từ lốp xe. (Ảnh AFP)

Việc trả học phí bằng rác thải sẽ giúp những trẻ em ăn xin ngoài đường phố được học tính toán, ngôn ngữ và tìm hiểu giá trị của việc tái chế tại quốc gia ô nhiễm môi trường

“Mình đã không phải đi ăn xin, đây như một cơ hội khác với mình”, Buthon, một học sinh ở ngôi trường Dừa chia sẻ.

Nằm trong công viên quốc gia, trường Dừa được xây dựng gần như hoàn toàn bằng rác thải tái chế và là sản phẩm chí tuệ của chú Ouk Vanday, có biệt danh là “Người đàn ông rác”. Ouk Vanday từng là một người quản lý khách sạn, chú luôn mơ ước đất nước Campuchia một ngày sẽ không còn rác thải.

Tại ngôi trường Dừa có khoảng 65 trẻ em hiện đang theo học. Trên các bức tường ở lớp học được làm bằng lốp xe đã trang trí hoặc được phủ toàn bộ từ nắp chai tạo nên hình ảnh lá cờ tổ quốc. Tất cả vật dụng để trang trí ngôi trường đều là rác thải mà học sinh của trường mang tới. Chú Ouk Vanday cho biết: “Tôi sử dụng rác để giáo dục trẻ em bằng cách tái chế rác thành phòng học, từ đó các bạn nhỏ sẽ hiểu được giá trị của việc sử dụng rác thải một cách hữu ích”.

Chú Vanday còn dự định mở rộng mô hình lớp học này ở tỉnh Kampong Speu, nơi đây có hàng trăm trẻ em nghèo. Trước tiên sẽ là một lớp mẫu giáo với bức tường được làm từ chai nhựa.

Cảm hứng khiến chú Vanday thành lập những ngôi trường rác thải này sau khi đi du lịch quanh Campuchia và thấy các địa điểm ấy đều ô nhiễm nặng. Dự án đầu tiên mà chú thực hiện là vào năm 2013 ở Phnom Penh và ngôi trường Dừa là dự án thứ 2.

Một góc nhìn lạ qua tường của lớp học được làm từ lốp xe. (Ảnh AFP)

Theo Bộ Môi trường Camphuhia: Năm 2017, đất nước này đã thu được 3,6 triệu tấn rác thải. Chỉ có 11% trong số ấy được tái chế, gần một nửa bị đốt cháy hoặc ném xuống sông, Đây là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm ở Campuchia. Phần lớn còn lại được vận chuyển tới các bãi rác, nơi đây có hàng đống rác thải chứa khí mê-tan có thể dẫn đến cháy bất ngờ, thêm phần biến đổi khí hậu.

Chú Vanday đã duy trì hoạt động của trường từ các khoản đóng góp và sự trợ giúp của các giáo viên tình nguyện. Trường học Dừa đã mang tới cơ hội đi học cho nhiều trẻ em Campuchia.

Nguồn: Thiếu niên Tiền Phong

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan