Không ít học sinh trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến

6:52 AM - 05/01/2019

Cứ 10 học sinh có khoảng 3-4 bạn tham gia vào bắt nạt trực tuyến, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Đây là báo cáo trong hội thảo khoa học “Chương trình can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” của trường Đại học Giáo dục.

Các chuyên gia của trường Đại học Giáo dục đã thực hiện 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến ở học sinh Việt Nam từ năm 2015 đến nay trên 5.000 học sinh, giáo viên, chuyên gia, cho thấy, có 24% tổng số học sinh THCS và THPT là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bắt nạt trực tuyến.

Đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%. Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như nạn nhân, thủ phạm, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

Các hành vi bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…

Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 học sinh thì có khoảng 3 – 4 bạn tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Học sinh nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. Học sinh càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.

Ảnh minh họa: Internet

Có nhiều bạn học sinh vừa bị bắt nạt trực tiếp vừa bị bắt nạt qua mạng xã hội mà nhiều nhất ở Việt Nam là Facebook, Zalo, Viber…

Trong buổi hội thảo, các chuyên gia, giảng viên của trường Đại học giáo dục đã nêu ra một số trường hợp cụ thể. Đã có nhiều bạn rơi vào trạng thái sợ hãi, ngại ngùng không dám gặp bạn bè, thầy cô, ảnh hưởng tới tình hình học tập. Thậm chí có bạn còn tự làm hại bản thân, tự tử trước áp lực quá lớn của những lời bình phẩm, bắt nạt trên mạng xã hội.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến và mở rộng, tình trạng bắt nạt trực tuyến xảy ra khá nhiều nhưng sự ngăn chặn còn hạn chế. Các chuyên gia của trường Đại học Giáo dục cũng đưa ra khuyến cáo các thầy cô giáo cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa và phối hợp với gia đình học sinh để phát hiện những dấu hiệu bất thường, can thiệp và giúp đỡ các bạn. Nhà trường cũng cần có những chương trình trao đổi, trò chuyện để các bạn học sinh nhận thức đúng đắn và có thay đổi hành vi phù hợp.

Với các bạn học sinh chúng mình, không nên quá để tâm vào những lời trêu đùa của các bạn. Chúng mình hãy chia sẻ với người bạn thân thiết nhất với mình hay bố mẹ, thầy cô giáo. Đừng để bản thân chìm vào trong rắc rối và tự gỡ một mình. Khi có người thấu hiểu và đồng hành cùng ta thì mọi chuyện đều được giải quyết dễ dàng hơn phải không nào?

Nguồn: Thiếu niên Tiền phong

comment-icon Bình luận

Bình luận bị đóng.

Tin Liên Quan